Từng "giỏi" tiếng Anh – cho đến khi sang Canada mới biết mình chẳng biết gì
- gin-anh-learning
- May 17
- 5 min read

Hồi còn học cấp 3, mình là một trong những đứa được gọi là “giỏi tiếng Anh”. Không phải kiểu thi quốc gia, đạt giải này giải nọ đình đám, nhưng cũng đủ để bạn bè, thầy cô, và cả bản thân mình tin rằng: “À, tiếng Anh là điểm mạnh của mình đấy!”
Mình bắt đầu học tiếng Anh khá sớm – từ năm lớp 5 đã đi học thêm. Lên lớp 6, đã có cơ hội học giao tiếp với người nước ngoài – một điều mà hồi đó còn khá hiếm ở Thái Nguyên. Càng học, mình càng thích. Lên cấp 2, cấp 3, mình đi thi học sinh giỏi tiếng Anh các cấp, năm nào cũng có giải (dù chỉ là khuyến khích, có năm lên được giải 3 tỉnh). Ngữ pháp mình nắm chắc, từ vựng biết kha khá, làm đề không đến nỗi nào. Và trong mắt nhiều người xung quanh, mình là một đứa “giỏi tiếng Anh”.
Thế nhưng, rồi một ngày – mình phát hiện ra: cái “giỏi” đó hóa ra chỉ là ảo giác.
Năm lớp 11 – cú sốc đầu tiên mang tên: phỏng vấn học bổng bằng tiếng Anh
Mình tham gia vòng phỏng vấn học bổng UWC – một học bổng du học cấp 3 danh giá mà bây giờ rất nhiều học sinh ở Việt Nam mơ ước. Toàn bộ buổi phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Anh. Và ngay lúc bước vào căn phòng đó, mình như bị đóng băng hoàn toàn.
Não mình trống rỗng. Từ vựng biết là một chuyện, nhưng để sắp xếp thành một câu nói có nghĩa, nói trôi chảy, truyền tải được suy nghĩ... thì là chuyện khác hoàn toàn. Mình ấp úng, lắp bắp, thậm chí có lúc không hiểu nổi giám khảo đang hỏi gì. Đó là lần đầu tiên mình cảm thấy: hóa ra “giỏi tiếng Anh” trên giấy không có nghĩa là giao tiếp được bằng tiếng Anh ngoài đời.
Được học bổng toàn phần – nhưng không mua nổi sự tự tin
May mắn thay, mình vẫn nhận được học bổng. Mùa hè trước khi lên đường sang Canada, mình dốc toàn lực vào việc học giao tiếp: luyện nghe, luyện nói, luyện phản xạ, thậm chí tập... nghĩ bằng tiếng Anh.
Nhưng đến khi đặt chân tới Canada, cú sốc thứ hai ập đến: mọi thứ hoàn toàn vượt ngoài tưởng tượng.
Bạn bè nói chuyện nhanh như bắn rap. Dùng slang, dùng văn hóa nói chuyện kiểu “mình chưa từng thấy ở đâu”. Lớp học thì toàn khái niệm mới, tốc độ nói nhanh, thầy cô dùng ví dụ, ẩn dụ, joke… mà mình không hiểu nổi. Nhiều buổi học mình ngồi lặng im. Không dám hỏi, không biết nên hỏi gì, và thực sự không hiểu bài giảng nói về điều gì.
Mình thấy như thể đang sống ở một hành tinh khác – dù ngôn ngữ về mặt lý thuyết thì vẫn là thứ mình “đã học rất giỏi”.
Học kỳ đầu tiên: tụt dốc không phanh và khủng hoảng lòng tin
Cả học kỳ đầu tiên là một chuỗi ngày ngột ngạt. Mỗi tối mình phải học lại toàn bộ nội dung bài giảng. Google từng từ, tra từng khái niệm. Cuối kỳ, mình phải ôn lại cả 6 môn học gần như từ đầu – chỉ để kịp thi. Điểm số thấp chưa từng thấy, mình bắt đầu nghi ngờ bản thân:
“Có khi nào… mình không đủ giỏi để tồn tại ở môi trường này?”“Mình có đang lừa dối chính mình không khi nghĩ rằng mình giỏi tiếng Anh?”
Từ "giỏi tiếng Anh" sang "sống được bằng tiếng Anh"
May mắn là mọi thứ bắt đầu đổi khác từ năm thứ hai. Dần dần, mình bắt đầu “nghe được người ta đang nói gì” – không chỉ nghe từ, mà là nghe được ý. Mình có thể hiểu những câu joke đơn giản, bắt đầu góp chuyện trong nhóm bạn, thậm chí đôi lúc cũng làm người khác bật cười. Bài giảng không còn là một trận chiến. Mình bắt đầu hiểu ngay khi thầy cô giảng, không cần tra từ điển mọi thứ.
Và đó là lúc mình nhận ra: Tiếng Anh mà mình từng học – chính là tiếng Anh để thi. Còn bây giờ, mình đang học tiếng Anh để sống.
Khi tiếng Anh trở thành một phần của mình, chứ không còn là thứ “phải giỏi”
Sau khi trở nên thoải mái hơn với việc học tập và giao tiếp bằng tiếng Anh, mình về thi IELTS. Lần đầu được 7.0 – điểm không quá cao, nhưng speaking 8.0. Sau 1-2 năm dạy IELTS, hiểu sâu hơn về cách học, cách dạy, cách phát triển kỹ năng, mình thi lại và đạt 8.0 overall, speaking 8.5.
Nhưng điều kỳ lạ là: điểm số không còn quá quan trọng với mình nữa. Mình không cần điểm 9-10 chuyên Anh. Mình chỉ cần có khả năng dùng tiếng Anh để làm bất cứ điều gì mình muốn.
Bây giờ, tiếng Anh là công cụ để mình học và sống
Mình đã dùng tiếng Anh để học về giáo dục, công nghệ, quản trị, tự động hoá. Dùng tiếng Anh để mentor giáo viên khác, kiểm soát chất lượng đào tạo của hàng ngàn học sinh ở nhiều trung tâm. Mình thậm chí học tiếng Trung và tiếng Hàn bằng tiếng Anh – và thấy vào nhanh đến bất ngờ. Du lịch? Miễn là có tiền, mình có thể đi bất cứ đâu có nói tiếng Anh – không sợ bị lạc, không sợ phải im lặng.
Vậy tiếng Anh ứng dụng là gì?
Là khi bạn nghe hiểu người khác nói gì mà không cần dịch trong đầu. Là khi bạn có thể viết email, trình bày ý tưởng, phản biện, trò chuyện một cách tự nhiên. Là khi bạn nghe podcast, học một kỹ năng mới, theo một khoá học online từ Harvard hay Stanford mà không thấy sợ.
Tiếng Anh ứng dụng không đòi hỏi bạn đúng hết. Nó chỉ cần bạn dám dùng.
Một vài điều mình ước gì có người nói với mình sớm hơn:
Đừng học tiếng Anh chỉ để làm bài thi. Hãy học nó để nói chuyện với thế giới.
Đừng sợ sai. Bạn không sai, bạn chỉ đang luyện phản xạ.
Nghe nhiều hơn. Viết nhiều hơn. Nói nhiều hơn. Và nhất là, sống nhiều hơn bằng tiếng Anh.
Tiếng Anh không nên là rào cản, mà nên là cánh cửa.
Kết lại: Giỏi tiếng Anh không cứu được mình. Dám dùng tiếng Anh mới làm được điều đó.
Nếu bạn cũng từng hoặc đang rơi vào trạng thái mất tự tin, học mãi không lên level, cảm thấy tiếng Anh là một bức tường quá cao để leo... Mình chỉ muốn nói: mình đã từng như thế.
Và mình tin – bạn cũng có thể vượt qua được. Miễn là bạn đừng học tiếng Anh như một môn học nữa, mà hãy học nó như một cách sống.
Comments